Kinh tế số tại Việt Nam: Cầu đang vượt cung

Kinh tế số tại Việt Nam: Cầu đang vượt cung

(PCWorldVN) Nhiều dịch vụ trong nền kinh tế số đang được người dùng sử dụng khai thác hằng ngày nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể tiếp cận nhóm khách hàng này.

Nhu cầu người dùng đang đi trước doanh nghiệp

Theo thống kê của Google, các dịch vụ trên mạng được người dùng Việt Nam sử dụng nhiều nhất là tìm kiếm thông tin, truy cập mạng xã hội, xem video và nghe nhạc trực tuyến với xấp xỉ 50% người dùng Internet sử dụng hằng tuần.

Ngoài ra, các dịch vụ như tìm thông tin sản phẩm, chơi game,… cũng chiếm trên 20% lượng người dùng Internet tại Việt Nam, và đáng chú ý là hầu hết dịch vụ này được người dùng khai thác qua điện thoại di động.

Có thể nói, điện thoại di động (cụ thể là smartphone) đã và đang dần thay đổi cách thức người dùng mua sắm, giải trí, giữ liên lạc…

Nếu một người nào đó muốn đi xem phim thì họ sẽ dùng điện thoại để tra cứu thông tin, rồi cũng lại sử dụng điện thoại để gọi rủ ai đó đi cùng, rồi việc mua vé cũng được thực hiện ngay trên điện thoại.

kinh-te-tai-viet-nam-cau-dang-vuot-cung
Toàn cảnh Hội thảo “Đón làn sóng công nghệ số: doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã sẵn sàng?” diễn ra vào hôm 2/6 tại Hà Nội. Sự kiện do VCCI và Google Việt Nam phối hợp tổ chức.

Mọi người, khi muốn làm một việc gì đó, về cơ bản sẽ mở ngay điện thoại di động bất kể lúc nào và bất kể ở đâu. Hay nói cách khác, trong thời đại di động như hiện nay, người ta không chỉ “lên mạng” mà còn “sống trên mạng”.

Chính sự thay đổi của môi trường đã tạo ra sự thay đổi lớn về hành vi tiêu dùng.

Theo ước tính của Google, đến năm 2020, cứ thêm 1% người dùng điện thoại di động thì sẽ đóng góp thêm 100 triệu USD vào GDP và tạo thêm 140.000 việc làm mới.

Ông Kevin O’Kane – Giám đốc mảng doanh nghiệp nhỏ và vừa của Google châu Á – Thái Bình Dương chia sẻ: “Mỗi doanh nghiệp Việt Nam dù hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nào đều cần ứng dụng công nghệ số bởi nhiều khách hàng của họ đã kết nối mạng”.

Nhu cầu khách hàng ngày càng lớn, thị trường tiềm năng ngày càng tăng thế nhưng bức tranh về ứng dụng công nghệ số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV)– vốn chiếm đến 95% tổng số doanh nghiệp hiện có tại Việt Nam cho thấy một sự khập khiễng.

Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy trong số 95% số doanh nghiệp có sử dụng Internet, chỉ 41% sử dụng CNTT hiệu quả. Còn theo Google, chỉ có khoảng 20% DNVVN có thể tìm kiếm trên mạng (trên máy tính và smartphone).

Khuyến nghị về phát triển nền kinh tế số

“Có nhiều lý giải cho việc này như doanh nghiệp chưa có nhận thức đầy đủ về lợi ích của Internet; lo lắng về an ninh mạng; thiếu chuyên gia về công nghệ; cho rằng chi phí cao trong khi khó tiếp cận các nguồn quỹ;…”, bà Tammy Phan – Giám đốc Đối tác chiến lược và Kênh bán hàng của Google tại châu Á – Thái Bình Dương nhận định.

Khẳng định vai trò của công nghệ số trong bối cảnh hội nhập, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng “Làn sóng công nghệ số đang phát triển nhanh chóng và có tác động mạnh mẽ tới tất cả các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các DNNVV. Tiếp nhận và ứng dụng hiệu quả các công nghệ này là cách thức đi tắt, đón đầu đối với các DNNVV Việt Nam trong quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp”.

Tại hội thảo “Đón làn sóng công nghệ số: doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã sẵn sàng?” diễn ra vào ngày 2/6/2016 tại Hà Nội, ông Kevin đã đưa ra cam kết dài hạn của Google trong việc hỗ trợ DNNVV Việt Nam tham gia kết nối trực tuyến, tạo dựng mô hình thương mại điện tử.

Song song đó, nhằm nhanh chóng thúc đẩy các ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch tập đoàn FPT đã thông qua Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2016 được tổ chức vào chiều ngày 3/6/2016 tại Hà Nội cũng đã đưa ra hàng loạt đề xuất giải pháp, khuyến nghị gửi đến các cơ quan chức năng, quản lý Nhà nước như đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục để tạo ra nguồn nhân lực sẵn sàng với cuộc cách mạng số; hỗ trợ doanh nghiệp kinh tế số lên sàn giao dịch công nghệ; thiết lập kết nối với các tổ chức quốc tế vừa hỗ trợ vốn vừa làm về chính sách.

Chủ tịch tập đoàn FPT Trương Gia Bình trình bày về chủ đề Kinh tế số.
Chủ tịch tập đoàn FPT Trương Gia Bình trình bày về chủ đề Kinh tế số.

Ngoài ra, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cũng kiến nghị, để đảm bảo cho thành công của chương trình quốc gia khởi nghiệp, Chính phủ cần tạo môi trường thuận lợi để phát triển các mô hình sáng tạo, cụ thể là rút ngắn thời gian, chi phí và đăng ký doanh nghiệp, chính thức hóa việc sử dụng các hồ sơ, chứng từ, hóa đơn điện tử; tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích hình thức đầu tư mạo hiểm, các vườn ươm tài năng.