Điện toán đám mây đang giết chết Windows và Linux
(PCWorldVN) Các nhà phát triển không còn hứng thú phát triển cho Windows hay Linux, nữa, điều lôi cuốn họ giờ đây là nền tảng điện toán đám mây chứ không phải hệ điều hành.
Bạn hẳn còn nhớ thời kỳ hoàng kim của thế giới hệ điều hành? Khi ấy, Windows và Linux, mỗi hệ hùng cứ một phương.
Nhưng có lẽ cái thời đó đã và sẽ mãi mãi là dĩ vãng, bởi cách phân chia “địa giới” như vậy không còn mấy ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.
Điều này nghe có vẻ lạ lùng nếu xét về mảng máy chủ, nhưng bất cứ ai dành ít nhiều thời gian cho các ứng dụng điện toán đám mây thì cũng đều có thể cảm nhận được. Tim Bray, cựu nhân viên của Google, hiện làm tại Amazon Web Services (AWS), cho rằng “có quá nhiều người vẫn còn mày mò cấu hình hệ điều hành”.
Về phần mình, Tim cho biết bản thân anh đang chuyển sang Lambda, là dịch vụ của AWS, để gán cho mỗi tác vụ cần thực hiện với một đơn vị tính toán riêng biệt.
Nói tóm lại, điện toán đám mây đang hút người dùng ra khỏi hệ điều hành, kéo về phía nó, cho phép các nhà phát triển tập trung vào cấp ứng dụng ở mức cao hơn, không phải lo ngại chuyện kiến trúc bên dưới. Trong khi điều này nghe có vẻ như hồi chuông báo tử cho Windows thì sự thực lại khác rất nhiều.
Cuộc cách mạng tự nhiên của đám mây
Kiến trúc hạ tầng luôn là mục tiêu của điện toán đám mây, cho dù trước đây sự quan tâm là PaaS (Platform as a Service), một thị trường dựa trên IaaS (Infrastructure as a Service) và SaaS (Software as a Service) lại là thực chất của đám mây.
IaaS đã giúp các nhà phát triển không phải xử lý những vấn đề về máy chủ vật lý, còn SaaS lại chiếm được lòng tin của các nhà hoạch định chiến lược kinh doanh, là những người không để tâm nhiều đến CNTT.
PaaS đứng ở giữa IaaS và SaaS, đơn giản là nó chẳng thu hút được ai. Nó là cây cầu quá dài đối với các nhà phát triển nào muốn quản lý cả môi trường phát triển. Dù vậy, nó vẫn mang lại được một nền tảng để phát triển ứng dụng, thử nghiệm ứng dụng và triển khai mã nguồn, nhưng nó không phải là thứ tiêu khiển cho doanh nhân khi rảnh rỗi.
Tuy vậy, sau vài năm “biết mặt” được IaaS, các nhà phát triển đã sẵn sàng mang mọi thứ lên đám mây. Ví dụ, AWS Lambda cho phép nhà phát triển upload mã nguồn, và Lambda sẽ đảm nhận mọi thứ, từ việc chạy mã nguồn cho đến mở rộng/thu nhỏ quy mô ứng dụng với độ sẵn sàng rất cao.
Nói như cách của các nhà phát triển ở ExpeditedSSL, Lambda giống như bạn yêu cầu AWS tạo cho mình một chiếc máy tính riêng, với một và chỉ một mục đích duy nhất là chạy các khối (block) mã nguồn.
Mỗi Lambda sẽ đảm nhận một chức năng khác nhau trong toàn bộ ứng dụng: upload hình ảnh, thu nhỏ kích thước ảnh… Nhà phát triển chỉ việc viết mã nguồn để bọc lấy những ứng dụng đó và cho phép AWS Lambda làm mọi thứ liên quan đến kiến trúc bên dưới.
Google, IBM và các nhà cung cấp dịch vụ đám mây cũng có những sản phẩm tương tự như Lambda. Khi có càng nhiều dịch vụ đám mây như vậy thì các nhà phát triển không còn phải so đo Windows với Ubuntu, hay Ubuntu với Red Hat nữa. Họ chỉ đơn giản là ngồi viết ứng dụng.
Microsoft với quan điểm mới
Điện toán đám mây không chỉ là “trường học mới”. Microsoft đã in hàng tỷ USD lợi nhuận vào mặt sau của nhãn hiệu Windows nhưng dù vậy họ cũng đang ngoảnh mặt với Windows mà quay sang điện toán đám mây Azure của mình. Tại sao? Bởi vì họ buộc phải làm vậy.
Mảng kinh doanh di động của Microsoft đã phải trả giá khá đắt, nhưng mảng kinh doanh điện toán đám mây của họ lại thành công ngoài mong đợi.
Chỉ đứng thứ hai sau AWS, Microsoft Azure thu hút rất đông các nhà phát triển, không chỉ nhưng người trước đây trung thành với nền tảng Windows.
Cách nay một năm, CEO Microsoft, Satya Nadella, từng nhắn nhủ rằng những ứng dụng đám mây của Microsoft sẽ chạy tốt trên Windows và cùng lúc đó chúng phải chạy được trên mọi nền tảng, với mục đích tăng cường lượng người dùng. Cách tốt nhất để đo được chỉ số này là tốc độ phát triển của Office 365, Azure và EMS (Enterprise Mobility Suite).
Theo góc nhìn này, Microsoft đã thay đổi cách làm truyền thống là chỉ dựa vào Windows. Microsoft đang chuẩn bị kiếm tiền từ một loạt nhà phát triển đám mây mới, là những người linh động chuyển đổi theo nền tảng, không cố định vào một hệ điều hành nào cả.
Các nhà phát triển Windows dần trở thành nhà phát triển Azure, làm việc bên trong những bộ chứa container và sử dụng các phương pháp viết mã khác liên quan đến ứng dụng nhiều hơn là đến kiến trúc bên dưới.
Rõ ràng, Microsoft đang cố gắn bắt nhịp với AWS và Google.
Điều thú vị hơn nữa là điểm kết thúc của Windows lại là điểm khởi đầu cho một thứ gì đó mới mẻ cho “gã khổng lồ” Microsoft.
Nguồn: Infoworld