Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia họp đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2 Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 (26/4/2016)
Ngày 26/4/2016, tại phòng họp trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông, 18 Nguyễn Du, Hà Nội, Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đã họp phiên kiện toàn nhân sự và tổng kết kết quả triển khai giai đoạn 2 Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, thống nhất kế hoạch hoạt động của giai đoạn 3 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Phan Tâm, Trưởng Ban công tác.
Quyết định số 511/QĐ-BTTT về việc kiện toàn thành viên Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đã được Bộ trưởng Bộ TT&TT ban hành ký ngày 7/4/2016, thay thế Quyết định số 1190 ngày 3/7/2012 của Bộ trưởng Bộ TT&TT về việc kiện toàn Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia. Hiện tại, Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia gồm có 19 thành viên đại diện cho một số đơn vị thuộc Bộ TT&TT, Bộ GD&ĐT, Bộ KH&CN cùng đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp viễn thông VNPT, Viettel, MobiFone, FPT và NetNam.
Kết thúc giai đoạn 2, một vài thành tựu đáng chú ý đã đạt được như 9 ISP đã kết nối tới Mạng IPv6 Quốc gia và Viettel đã có 10 hường kết nối IPv6 đi quốc tế, tổng dung lượng 432 Gbps trong khi VNPT có 7 hướng kết nối đi quốc tế, chạy song song IPv4-IPv6, tổng dung lượng 220 Gbps… Nếu như các năm trước, trên hệ thống thống kê của các tổ chức quốc tế như CISCO, APNIC, Google, tỉ lệ người sử dụng IPv6 của Việt Nam chỉ có 0% thì ở thời điểm hiện tại, các hệ thống này đều ghi nhận con số người sử dụng IPv6 ở Việt Nam đạt gần 0,03%.
Năm 2016 là năm đầu tiên của giai đoạn 3 (2016-2019) trong Kế hoạch hành động Quốc gia về IPv6. Mục tiêu của Ban công tác thúc đẩy IPv6 Quốc gia là phải hoàn thiện và nâng cấp mạng cơ sở hạ tầng IPv6 quốc gia, hoàn thiện việc chuyển đổi mạng lưới, dịch vụ, ứng dụng, phần mềm và thiết bị trên toàn bộ mạng Internet Việt Nam, đảm bảo cho Internet VN hoạt động hoàn toàn tương thích, an toàn với IPv6. Đồng thời, mạng lưới của các tổ chức, doanh nghiệp, mạng chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước cũng sẽ chính thức sử dụng và cung cấp dịch vụ với IPv6 trong giai đoạn này..
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Phan Tâm khẳng định cơ chế chính sách ưu đãi là một nội dung rất quan trọng, cần phải được làm rõ trong thời gian tới để thực sự tạo ra được một cú hích cho IPv6 tại Việt Nam. Thứ trưởng cũng đã chỉ ra một số tồn tại, đó là các biện pháp thúc đẩy phát triển IPv6 cho tới nay mang nhiều tính khuyến khích, tự nguyện tự giác của doanh nghiệp là chính. Một số quy định đã có nhưng chưa có đơn vị nào giám sát, đôn đốc việc triển khai. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ chưa phát huy hết tác dụng trong việc hưởng ưu đãi liên quan đến sản xuất thiết bị, phần mềm, nội dung hỗ trợ công nghệ IPv6. Một tồn tại nữa là sự hợp tác thiếu chặt chẽ giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet và cung cấp nội dung vốn tạo thành hệ sinh thái bền vững, cộng sinh thúc đẩy IPv6 để tạo ra đột phá. Thứ trưởng giao Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), với tư cách thường trực của Ban công tác, rà soát lại chương trình công tác của các đơn vị thuộc Bộ, tổng hợp những văn bản đang xây dựng có liên quan đến việc khuyến khích tạo lập thị trường ứng dụng cho IPv6 để báo cáo lãnh đạo Bộ, theo hướng đưa nội dung IPv6 sâu sát và phù hợp vào các văn bản mới.
Một số hình ảnh tại cuộc họp: