Điện toán đám mây
Điện toán đám mây có thực sự là xu hướng của tương lai?
Trong những năm gần đây, Công nghệ thông tin (CNTT) đã phổ biến một mô hình mới, mô hình điện toán đám mây. Dù điện toán đám mây thực chất là một cách thức chia sẻ tài nguyên máy tính hiệu quả, chứ không hoàn toàn là một công nghệ mới, nhưng nó đã tạo ra một cuộc cách mạng cách mạng CNTT buộc các nhà sản xuất lớn cũng phải thay đổi chiến lược sản phẩm của mình.
Vậy điện toán đám mây là gì và nó có vai trò như thế nào trong sự phát triển kinh tế xã hội và công nghệ của các quốc gia và có thực sự là xu hướng của tương lai hay không? Bài viết này hy vọng chia sẻ một góc nhìn từ phía ứng dụng của điện toán đám mây đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Điện toán đám mây là một giải pháp toàn diện cung cấp CNTT dưới hình thức một dịch vụ. Nó là giải pháp điện toán dựa trên nền tảng Internet, mà ở đó việc cung cấp tài nguyên theo hình thức chia sẻ giống như dòng điện được phân phối trên lưới điện. Các máy chủ dịch vụ trong các đám mây được cấu hình để cùng làm việc chung, khi đó các ứng dụng khác nhau sẽ cùng sử dụng chung sức mạnh tập hợp của các máy chủ như thể chúng đang chạy trên một hệ thống duy nhất.
Tính linh hoạt của điện toán đám mây là khả năng phân phối tài nguyên theo yêu cầu nên dễ dàng tối ưu hệ thống, tiết kiệm tài nguyên và loại bỏ trường hợp quá tải trên một thiết bị phần cứng cụ thể. Trước điện toán đám mây, các trang web và các ứng dụng dựa trên máy chủ đã được thi hành trên một hệ thống cụ thể. Với sự ra đời của điện toán đám mây, các tài nguyên được sử dụng như một máy chủ ảo. Cấu hình hợp nhất này cung cấp một môi trường ở đó các ứng dụng thực hiện một cách độc lập mà không quan tâm đến bất kỳ cấu hình cụ thể nào.
Vì sao các công ty CNTT đổ xô vào đám mây?
Điện toán đám mây có thể được coi như một loại hình dịch vụ thuê ngoài với các ưu điểm dưới đây:
- Giảm chi phí: Điện toán đám mây có thể làm giảm cả chi phí đầu tư (mua máy chủ) và chi phí vận hành (đội ngũ nhân viên quản trị). Thay vào đó, các tài nguyên chỉ được mua khi cần và chỉ phải trả tiền khi sử dụng.
- Giảm nhân viên: Sử dụng điện toán đám mây cho phép giải phóng đội ngũ nhân viên tin học tại doanh nghiệp.
- Khả năng mở rộng dễ dàng: Điện toán đám mây cho phép khả năng tăng giảm quy mô ngay lập tức, bất cứ lúc nào mà không cần phải dự tính đầu tư trước.
Các mô hình dịch vụ mà điện toán đám mây có thể cung cấp là gì?
Mô hình cung cấp mọi thứ dưới dạng cho thuê dịch vụ đã đem lại nhiều ưu điểm. Việc cung cấp dịch vụ điện toán đám mây được thực hiện thông qua 3 “tầng mây” hình dưới đây:
- Cơ sở hạ tầng được cung cấp như một dịch vụ (IaaS). Với mô hình này, khi thuê cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp được cung ứng dịch vụ hạ tầng phần cứng CNTT, không cần lo quản trị và bảo trì hạ tầng. Họ cài đặt và có quyền kiểm soát các hệ điều hành, lưu trữ, triển khai các ứng dụng và ở một mức độ nhất định, có quyền kiểm soát việc lựa chọn các thành phần mạng.
Có nhiều công ty đang cung cấp dịch vụ IaaS như: Amazon EC2, Azure Services Platform, Google Compute Engine, HP Cloud, Oracle Infrastructure as a Service. - Nền tảng hệ thống được cung cấp như một dịch vụ (PaaS). Với mô hình này, các nhà cung cấp điện toán đám mây cung cấp một nền tảng điện toán thường bao gồm hệ điều hành, môi trường thực thi ngôn ngữ lập trình, cơ sở dữ liệu và máy chủ web.
Doanh nghiệp không cần phải quản lý hoặc kiểm soát cơ sở hạ tầng nằm dưới, nhưng có quyền điều khiển các ứng dụng đã triển khai và ở một mức độ nào có quyền điều khiển ứng dụng sử dụng các cấu hình môi trường trên máy tính chủ.
PaaS có các nhà cung cấp như là Elastic Compute Cloud (EC2) của Amazon.
- Ứng dụng được cung cấp như một dịch (SaaS). Với mô hình này, các nhà cung cấp điện toán đám mây cài đặt và vận hành các phần mềm ứng dụng trên nền điện toán đám mây và doanh nghiệp chỉ việc sử dụng các ứng dụng cho công việc của mình mà không cần quan tâm đến việc quản trị phần cứng cũng như phần mềm nói trên.
Các dịch vụ như Google Apps, Microsoft Office 365 là một ví dụ điển hình về mô hình cung cấp ứng dụng SaaS trên nền điện toán đám mây.
Vậy “mây” được hình thành như thế nào?
Có ba kiểu hình thành đám mây: riêng, chung (công cộng) và mây lai.
- Đám mây chung là điện toán đám mây, trong đó các dữ liệu được lưu trữ bên ngoài trung tâm dữ liệu của doanh nghiệp. Với đám mây chung, hoặc đám mây lưu trữ bên ngoài, đám mây công cộng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ giảm được chi phí lưu trữ dữ liệu của họ vì lưu trữ / sao lưu được thực hiện qua một nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây của bên thứ ba. Họ chỉ phải trả chi phí trên cơ sở tính toán việc sử dụng hàng tháng.
- Đám mây riêng là điện toán đám mây được thực hiện trong các bức tường lửa của công ty, dưới sự kiểm soát của bộ phận CNTT. Một đám mây riêng được thiết kế để cung cấp các tính năng và lợi ích của hệ thống giống như điện toán đám mây công cộng, nhưng loại bỏ một số vấn đề trong mô hình điện toán đám mây công cộng, bao gồm kiểm soát doanh nghiệp, dữ liệu khách hàng, an ninh, và các vấn đề kiểm soát nội bộ. Phù hợp với đám mây riêng là các khách hàng lớn, ngân hàng, bảo hiểm.
- Đám mây lai là kết hợp giữa đám mây chung và đám mây riêng, nơi một số dữ liệu quan trọng nằm trong đám mây riêng của doanh nghiệp trong khi dữ liệu khác được lưu trữ và truy cập từ một nhà cung cấp lưu trữ đám mây chung. Lưu trữ đám mây lai kết hợp những ưu điểm của khả năng mở rộng, độ tin cậy, triển khai nhanh chóng và tiết kiệm chi phí lưu trữ đám mây chung với sự an toàn và kiểm soát toàn bộ lưu trữ đám mây riêng.
Vai trò thực sự của “mây”?
Điện toán đám mây cung cấp một khả năng hầu như vô tận, loại bỏ các mối lo về khả năng mở rộng. Điện toán đám mây cho các nhà phát triển cũng như doanh nghiệp và người sử dụng có khả năng truy cập vào các tài sản phần mềm và phần cứng mà hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có đủ khả năng tự trang bị.
Có một giấc mơ mà một hãng hàng không đã khơi mào: “ai cũng có thể bay!”, thì điện toán đám mây cũng mở ra một bầu trời, trong đó “ai cũng có thể lên mây”. Lý giải cho điều này chính là ở chỗ, khi “lên mây” thực sự bạn chỉ phải trả phí cho những gì bạn sử dụng và chỉ khi bạn sử dụng mà không phải trả phí cho những gì bạn sẽ sử dụng.
Lên “mây” có thích không?
Theo bảng đánh giá trên được thực hiện vào đầu năm nay, việc lên “mây” đã và đang trở thành xu hướng của tương lai và là một cuộc cách mạng mới trong CNTT. Trong cuộc cách mạng mới này, điện toán đám mây có thể cung cấp cho các doanh nghiệp phương tiện và các phương pháp cần thiết để đảm bảo sự ổn định tài chính và dịch vụ chất lượng cao. Vì vậy, điều cấp thiết đối với tất cả chúng ta chỉ có thể là sẵn sàng cho cuộc cách mạng này.
Nguyễn Anh Tuấn
HOSTING.ORG.VN