2018 – một năm hoạt động hiệu quả của Trung tâm Internet Việt Nam
Năm 2018 đã ghi nhận những kết quả nổi bật trong việc thúc đẩy triển khai IPv6 tại Việt Nam với tỉ lệ sử dụng đạt 25,85%, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á, thứ 6 khu vực Châu Á Thái Bình Dương, thứ 13 trên toàn thế giới. Tên miền “.vn” chính thức được đăng ký hoàn toàn trực tuyến qua hồ sơ điện tử, tạo thuận lợi tối đa cho người sử dụng. Tên miền không dấu “.vn” liên tục là tên miền quốc gia (ccTLD) có số lượng đăng ký sử dụng cao nhất khu vực Đông Nam Á, TOP 10 khu vực châu Á Thái Bình Dương kể từ năm 2011 đến nay. Bên cạnh đó, các hệ thống hạ tầng kỹ thuật trọng yếu quốc gia được đảm bảo hoạt động thông suốt, ổn định, an toàn và hiệu quả. Kết quả này đã cho thấy những nỗ lực của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) trong năm vừa qua.
Năm 2018: Các chỉ tiêu phát triển tăng trưởng ổn định
Ngày 05/01/2019, Trung tâm Internet Việt Nam cùng với các đơn vị Cục Viễn thông, Cục Tần số vô tuyến điện, Cục Bưu điện Trung ương đã tổ chức Hội nghị Triển khai kế hoạch công tác năm 2019. Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) Phạm Hồng Hải đánh giá cao những kết quả mà các đơn vị nói chung và VNNIC nói riêng đã đạt được trong năm 2018.
Thứ trưởng Phạm Hồng Hải phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Kết quả công tác của VNNIC được thể hiện trên các lĩnh vực: đảm bảo an toàn an ninh hệ thống hạ tầng trọng yếu quốc gia (hệ thống DNS quốc gia, hệ thống VNIX); quản lý, phát triển tài nguyên Internet trong đó đặc biệt nổi bật là công tác thúc đẩy triển khai IPv6 tại Việt Nam; hợp tác trong nước, hợp tác quốc tế phát triển cộng đồng Internet. Tại Hội nghị, Ông Trần Minh Tân, Giám đốc VNNIC đã báo cáo chi tiết các kết quả đã đạt được của VNNIC trong năm 2018.
Ông Trần Minh Tân – Giám đốc VNNIC báo cáo tại Hội nghị
Trong công tác quản lý và phát triển tài nguyên Internet quốc gia, năm 2018 ghi dấu ấn nổi bật trong kết quả thúc đẩy triển khai IPv6 tại Việt Nam với tỉ lệ ứng dụng chuyển đổi là 25,85%, hơn 14 triệu người sử dụng Internet IPv6 (dịch vụ FTTH: 6.5 triệu, dịch vụ di động: 3.1 triệu). Việt Nam xếp thứ 2 Đông Nam Á, thứ 6 khu vực Châu Á –Thái Bình Dương và 13 trên thế giới về tỷ lệ ứng dụng chuyển đổi IPv6. Khối cơ quan Đảng Nhà nước đã có sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức trong triển khai ứng dụng IPv6. VNNIC đã trực tiếp đào tạo và tư vấn về chuyển đổi IPv6 cho bộ các Cục/Trung tâm CNTT/ Sở Thông tin và truyền thông (Sở TT&TT), các doanh nghiệp ISP, Internet, nội dung, phần mềm… Dẫn đầu về kết quả triển khai IPv6 tại Việt Nam ở các doanh nghiệp tiêu biểu là tập đoàn VNPT đạt 35%, tập đoàn Viettel đạt 25% và FPT Telecom đạt 25%. Kết quả ứng dụng triển khai IPv6 của Việt Nam là bước chuẩn bị quan trọng không chỉ đối với vấn đề cạn kiệt địa chỉ IPv4 mà còn là sự sẵn sàng cho kỷ nguyên công nghệ Internet mới.
Năm 2018 cũng đánh dấu bước chuyển đổi trong việc quản lý hồ sơ đăng ký tên miền “.vn”. Tên miền “.vn” chính thức được đăng ký hoàn toàn trực tuyến qua hồ sơ điện tử, tạo thuận lợi tối đa cho người sử dụng. Với 465.890 tổng số tên miền không dấu “.vn” đang duy trì sử dụng trên hệ thống, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, tên miền không dấu “.vn” liên tục là tên miền quốc gia (ccTLD) có số lượng đăng ký sử dụng cao nhất khu vực Đông Nam Á, TOP 10 khu vực châu Á Thái Bình Dương kể từ năm 2011 đến nay. Bên cạnh đó, năm 2018, VNNIC cũng chú trọng đến công tác quản lý tên miền quốc tế và đạt được những kết quả tích cực.
Về công tác quản lý, khai thác, vận hành và duy trì hoạt động của hệ thống mạng dịch vụ DNS và hệ thống quản lý, cấp phát tài nguyên Internet quốc gia, VNNIC đã đảm bảo hoạt động thông suốt, ổn định, an toàn, hiệu quả. Hoàn thành triển khai mở rộng tiêu chuẩn an toàn mở rộng cho hệ thống DNS (DNSSEC) trên toàn bộ hệ thống DNS quốc gia, kết nối liên thông hệ thống DNS quốc gia với hệ thống máy chủ gốc (DNS ROOT) và các hệ thống DNS quốc tế, giúp cho việc truy cập, sử dụng tên miền “.VN” an toàn, chính xác, tin cậy trên Internet, đánh dấu bước chuyển biến quan trọng trong việc phát triển hạ tầng Internet tại Việt Nam, sẵn sàng đẩy mạnh phát triển các dịch vụ thương mại điện tử, chính phủ điện tử tại Việt Nam một cách an toàn nhất.
Năm 2018 hệ thống VNIX tổng số thành viên hiện nay là 20 doanh nghiệp ISP đang kết nối tới các điểm VNIX tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh, tổng băng thông kết nối 269 Gbps, trong đó có nhiều doanh nghiệp kết nối dung lượng lớn như CMCTi (51GB), VNPTNet (50GB), Viettel (42GB), tăng 34% so với năm 2017. Hệ thống VNIX hỗ trợ kết nối IPv4/IPv6, cùng với mạng DNS quốc gia, mạng của các ISP, VNIX trở thành nhân tố chính hình thành lên mạng IPv6 quốc gia theo đúng lộ trình chuyển đổi IPv6 quốc gia, hiện đã có 13 thành viên là các ISP kết nối chạy song song IPv4/IPv6. Năm 2018, VNNIC tiếp tục duy trì và mở rộng phạm vi chứng nhận Hệ thống quản lý an toàn thông tin theo tiêu chuẩn ISO/IEC 27001:2013 với phạm vi mới là “An toàn bảo mật thông tin trong hoạt động quản lý vận hành hạ tầng trung tâm dữ liệu (IDC), hệ thống DNS quốc gia .VN và hệ thống trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX”.
Về các hoạt động hợp tác trong nước, VNNIC đẩy mạnh triển khai công tác hợp tác với các Sở TT&TT để tăng cường thúc đẩy sử dụng tên miền .vn, chuyển đổi sử dụng IPv6 và kiểm soát, quản lý tốt hơn việc đăng ký sử dụng TMQT tại các địa phương.
Đối với các hoạt động quốc tế, năm 2018, VNNIC đã tích cực tham gia các hoạt động họp định kỳ thường niên của các tổ chức quản lý tài nguyên Internet trong khu vực và trên thế giới như APTLD, APNIC, ICANN, APIX, AsiaPeering. Các hoạt động hợp tác song phương cũng được tiến hành với nhiều bước tiến mới trong xây dựng và mở rộng quan hệ hợp tác như tiếp tục triển khai các hoạt động với các đối tác Trung tâm thông tin mạng Hàn Quốc (KISA), Trung tâm thông tin Nhật Bản (JPNIC), Trung tâm Điều phối tên miền cấp cao Liên bang Nga (CC for TLD RU), đào tạo trong công tác quản lý và phát triển tài nguyên Internet cho Trung tâm thông tin Lào (LANIC).
VNNIC và những con số tiêu biểu năm 2018 (Số liệu tính đến 31/12/2018)
Năm 2019: Hoàn thiện cơ chế, chính sách
Trên cơ sở báo cáo của các đơn vị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải đã chỉ đạo các đơn vị cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, hiệu chỉnh các quy định trong Luật Viễn thông, Luật Tần số cho phù hợp đáp ứng yêu cầu của thực tế, thành lập các nhóm làm việc để xúc tiến việc rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện về cơ chế chính sách. Đối với công tác đấu giá tài nguyên viễn thông, Internet, xem xét xây dựng văn bản tổng thể về đấu giá tên miền và tần số. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cũng chỉ đạo năm 2019 Cục Viễn thông và VNNIC cần rà soát, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy.
Về phía VNNIC, ông Trần Minh Tân, Giám đốc VNNIC cũng nhấn mạnh về nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch công tác năm 2019 của VNNIC là: hoàn thành kế hoạch hành động quốc gia về IPv6; tiếp tục tăng cường công tác quản lý thúc đẩy sử dụng tài nguyên Internet, đảm bảo an toàn an ninh hệ thống hạ tầng trọng yếu; hoàn thiện cơ chế chính sách như trong việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, giải quyết các bất cập trong công tác cấp phát sử dụng tài nguyên địa chỉ, đấu giá quyền sử dụng tên miền; và đặc biệt là đổi mới mô hình hoạt động VNIX theo chuẩn quốc tế.
Nhân Hội nghị này, thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước Thứ trưởng Phạm Hồng Hải đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho ông Nguyễn Hồng Thắng – Phó Giám đốc VNNIC. Bà Lê Đào Phương Ân, chuyên viên Phòng Kỹ thuật VNNIC được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Nguyễn Hồng Thắng – Phó Giám đốc VNNIC nhận Huân chương Lao động hạng Nhì
Bà Lê Đào Phương Ân – Chuyên viên Phòng Kỹ thuật VNNIC nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ